- Posted by: Tràng An
- Category: Kiến Thức, Tin Tức
Những Điều Cần Biết Tiêm Chủng
Tiêm chủng cho bé là truyền vào cơ thể bé các loại vắc-xin có chứa một lượng nhỏ các virus hoặc vi khuẩn yếu, không có khả năng gây bệnh hoặc gây bệnh rất nhẹ. Khi bé được tiêm liều thấp của một loại virus gây bệnh, cơ thể bé sẽ sản sinh ra các kháng thể chống lại căn bệnh. Vì vậy, nếu bé đã được tiêm chủng tiếp xúc với một trong các loại bệnh này, bé sẽ có khả năng chống lại bệnh.
Nhiều bệnh truyền nhiễm đã được khống chế tại Úc và New Zealand nhờ các chương trình quốc gia về tiêm chủng. Ngày nay, chúng ta ít gặp phải các bệnh như đậu mùa, bại liệt, sởi, rubella và quai bị chính là nhờ các chương trình tiêm chủng.
1. Có bắt buộc tiêm chủng cho bé không?
Bạn có quyền lựa chọn có tiến hành tiêm chủng cho con hay không, nhưng điều quan trọng là bạn hiểu rõ sự cần thiết của việc tiêm chủng trước khi quyết định. Hãy xem các câu hỏi thường gặp để biết thêm thông tin về việc tiêm chủng cho con và nếu có gì băn khoăn, hãy hỏi thêm ý kiến của bác sỹ.
2. Tiêm chủng có tác dụng phụ hay không?
Đôi khi bé có thể có phản ứng nhẹ đối với việc tiêm chủng. Nếu bạn có thắc mắc gì về phản ứng của con mình sau khi tiêm vắcxin, hãy liên hệ ngay với bác sỹ hoặc chuyên gia về chăm sóc sức khỏe trẻ em.
3. Thời điểm bé bắt đầu tiêm chủng
Trẻ sơ sinh được tiêm mũi đầu tiên ngay trong bệnh viện. Ở Việt Nam, khi mới sinh ra, bé thường được tiêm phòng Viêm gan B trong 24 giờ đầu tiên. Trong tháng đầu tiên, bé nên được tiêm phòng bệnh lao càng sớm càng tốt.
4. Tại sao cần khám sàng lọc trước khi tiêm chủng
Khám sàng lọc trước khi tiêm chủng là việc rất cần thiết nhằm phát hiện những bất thường cần lưu ý để quyết định cho trẻ (người được tiêm) tiêm chủng, tạm hoãn việc tiêm chủng hay không được tiêm một loại vắc xin nào đó.
Vì vậy, người nhà của trẻ hay người đi tiêm chủng và bác sĩ cần hợp tác với nhau để đảm bảo việc tiêm chủng là đúng thời điểm, hiệu quả và an toàn.
Kết quả khám sàng lọc trước tiêm chủng được căn cứ trên những thông tin người nhà hay người đi tiêm chủng cung cấp cho bác sĩ và những thông tin bác sĩ phát hiện sau khi thăm khám.
5. Những thông tin cần thông báo cho bác sĩ là gì?
Với trẻ nhỏ, bố mẹ cần thông báo cho bác sĩ các vấn đề về sức khỏe và lịch sử tiêm chủng như:
- Trẻ đã đủ cân nặng 2.5kg chưa? (Nếu là trẻ sơ sinh)
- Trẻ có bú (ăn), uống, ngủ, chơi bình thường không?
- Trẻ có đang sốt hay mắc bệnh gì không? Trẻ có bệnh lý bẩm sinh hoặc bệnh lý mắc phải khiến trẻ phải nhập viện điều trị từ khi sinh đến nay.
- Trẻ có đang dùng thuốc hoặc sử dụng phương pháp điều trị nào không?
- Trẻ có tiền sử dị ứng với thuốc hay thức ăn nào không?
- Trẻ có tiền sử dị ứng với vắc xin hoặc có phản ứng nặng ở các lần tiêm trước hay không?
Với người lớn đi tiêm chủng cũng cần thông báo cho bác sĩ các vấn đề sức khỏe của mình bao gồm các bệnh đã mắc, những loại thuốc – liệu pháp điều trị đang dùng, loại vắc xin đã tiêm gần đây (trong vòng 4 tuần) và phản ứng của cơ thể ở những lần tiêm chủng trước hoặc các phản ứng, dị ứng đã gặp.
Với phụ nữ, ngoài các thông tin cơ bản như trên, cần thông báo cho bác sĩ biết mình đang có thai hay không, hoặc thời gian dự định có thai.